Vi khuẩn than có ở trong đất, nước, cây cỏ bị nhiễm bẩn. Vi khuẩn than có sức đề kháng kém, rất dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn thông thường, nhưng bào tử của vi khuẩn có sức đề kháng rất cao, chúng có thể tồn tại ở điều kiện thông thường trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà vẫn duy trì được khả năng gây bệnh. Vi khuẩn than chủ yếu gây bệnh cho động vật, đặc biệt phổ biến là các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu, v.v…
Bệnh than lây lan khi tiếp xúc với bào tử của vi khuẩn, thường xuất hiện trong các sản phẩm của động vật bị nhiễm. Tiếp xúc là qua hít thở, ăn uống hoặc qua vùng da bị xước. Bệnh thường không lây lan trực tiếp giữa người với người.
Bệnh than có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là thể bệnh than nhiễm qua da và đường tiêu hóa. Đối với thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp thì khó điều trị và có tỉ lệ tử vong cao hơn.
Nhằm đảm bảo, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh than từ động vật sang người, Ngành Y tế khuyến cáo người dân:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
- Đã có vắc xin phòng bệnh than cho người; khuyến khích cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao (người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn).
- Không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh.
- Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.
- Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước.
- Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra, xử lý ổ dịch.