Thế nào là vẹo vách ngăn?
Vách ngăn là một tấm vách phẳng và mỏng với cấu tạo bởi sụn ở phía trước và xương ở phía sau chia khoang mũi thành hai phần bằng nhau. Dị hình vách ngăn xảy ra khi vách ngăn nằm lệch về một bên mũi hay có cấu trúc bất thường. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do chấn thương vào vùng mũi khi sinh, chơi thể thao hay tai nạn giao thông…
Theo một số nghiên cứu có tới 50% dân số được cho là bị dị hình vách ngăn. Tuy nhiên chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó có những biểu hiện triệu chứng. Các hình thái của dị hình vách ngăn như vẹo vách ngăn, mào vách ngăn, gai vách ngăn, dày vách ngăn.
Hậu quả của dị hình vách ngăn
Dị hình vách ngăn có thể gây:
Ngạt tắc mũi một bên gây khó khăn cho việc thở. Các triệu chứng này sẽ tăng lên khi bạn bị cảm cúm, dị ứng mũi do có hiện tượng phù nề trong hốc mũi. Những bệnh nhân bị ngạt mũi nhiều có thể bị khô miệng do phải thường xuyên thở bằng miệng. Ngoài ra việc không thở một cách thoải mái qua mũi vào ban đêm còn làm cho bệnh nhân ngủ không yên giấc.
Nặng mặt, đau nhức vùng mặt hay đau đầu cùng bên với bên dị hình vách ngăn, do mào hoặc gai vách ngăn chèn ép vào các thành phần của thành ngoài hốc mũi.
Thường xuyên viêm xoang do dị hình vách ngăn có thể gây bít tắc phức hợp lỗ thông xoang, gây ứ đọng dịch trong xoang dẫn tới cản trở dẫn lưu dịch mũi xoang một cách bình thường.
Ngủ ngáy hoặc hay chảy máu mũi bên dị hình vách ngăn cũng có thể gặp ở một số bệnh nhân.
Điều trị thế nào?
Hầu hết các trường hợp dị hình vách ngăn nhẹ không có biểu hiện triệu chứng. Với các trường hợp này sẽ không cần điều trị gì. Với các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để dùng.
Tuy nhiên khi thuốc không giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu, phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn là phương pháp duy nhất giúp sửa chữa các dị hình này. Chỉnh hình vách ngăn được thực hiện hoàn toàn trong hốc mũi, giúp lấy bỏ, chỉnh lại phần sụn xương vách ngăn lệch vẹo, hoàn toàn không để lại dấu vết hay sẹo ở bên ngoài. Phẫu thuật thường kéo dài 1-1,5 giờ tùy thuộc kiểu dị hình. Phẫu thuật này thường không được áp dụng ở trẻ vị thành niên do sụn vách ngăn thường phát triển cho đến khi bệnh nhân 18 tuổi.