Đặc điểm của bệnh:
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật có vú máu nóng lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm, vết cào của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và con người 100% đều dẫn đến tử vong.
Dự phòng đối với động vật có nguy cơ lây bệnh dại:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải dùng rọ mõm và đeo xích.
- Theo dõi sát tình trạng của động vật cắn người (kể cả động vật đã được tiêm phòng dại) trong vòng 10 ngày sau khi cắn.
Tiêm ngừa và xử lí vết thương bệnh dại:
* Dự phòng chủ động trước phơi nhiễm:
- Phòng bệnh dại cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao: Bác sĩ thú y (và trợ lý), người canh giữ săn trộm thú, thợ săn, nhân viên kiểm lâm, người làm ở lò mổ thịt, người nghiên cứu về hang động, người làm nghề nhồi bông thú, người đến vùng có dịch bệnh súc vật...
- Lịch tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm bệnh dại:
- Mũi 1: Tiêm thời điểm bất kỳ
- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 7 ngày
- Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 28 ngày
- Mũi nhắc: Tiêm nhắc lại 1 năm sau khi tiêm 3 liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 5 năm.
* Dự phòng sau phơi nhiễm: tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng chống bệnh dại cho người bị Chó, Mèo, Cáo, Dơi và các súc vật nghi dại khác cắn hoặc cào cấu làm trầy xước da...
Xử lí vết thương dự phòng bệnh dại:
+ Xối rửa tất cả các vết cắn/cào dưới vòi nước trong 15 phút với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn (cồn, cồn i ốt...).
+ Không làm dập nát thêm vết thương, không cố gắng nặn máu.
+ Đến cơ sở y tế ngay sau khi phơi nhiễm.
+ Không khâu kín vết thương.
+ Tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như thuốc nam, đắp lá, đặt ngọc…
Lịch tiêm vắc xin sau phơi nhiễm:
- Người chưa tiêm dự phòng dại trước đó:
- Mũi 1: Ngày thứ 0
- Mũi 2: Ngày thứ 3
- Mũi 3: Ngày thứ 7
- Mũi 4: Ngày thứ 14
- Mũi 5: Ngày thứ 28
Với các trường hợp vết cắn/cào sâu, nhiều vết, gần các vùng nhiều dây thần kinh hoặc gần thần kinh trung ương và động vật có triệu chứng dại/không theo dõi được con vật, người bệnh phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại.
- Theo dõi sát tình trạng của động vật cắn người (kể cả động vật đã được tiêm phòng dại) trong vòng 10 ngày sau khi cắn.
- Người đã tiêm dự phòng dại đầy đủ trong vòng 5 năm:
- Mũi 1: Ngày thứ 0
- Mũi 2: Ngày thứ 3
Các loại vắc xin phòng bệnh dại hiện có ở TTKSBT Tỉnh Thừa Thiên Huế:
- Verorab, sản xuất tại Pháp
- Abhayrab, sản xuất tại Ấn Độ