Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Theo thống kê của Chương trình phòng chống bệnh dại Quốc gia - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022, cả nước ghi nhận 39 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Nguyên nhân gây bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn. Đôi khi có thể bị nhiễm nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, tỷ lệ tử vong là 100%.
Biểu hiện của bệnh dại
Ngay khi bị nhiễm vi rút , triệu chứng đầu tiên của người bệnh là biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập. Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ ở giai đoạn viêm não, người bệnh thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Cách xử trí khi bị động vật nghi dại cắn
Nếu bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với nước xà phòng đặc thật kỹ, sau đó rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin ngừa dại. Tùy theo vị trí vết cắn gần thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ, vai, ngực, lưng và vùng có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục hoặc vết thương sâu, nhiều vết cắn... bệnh nhân có thể được tiêm thêm huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi./.
“VÌ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG, HÃY CHUNG TAY ĐẨY LÙI BỆNH DẠI”
“ KHÔNG CÓ CHÓ MÈO DẠI-KHÔNG CÓ NGƯỜI MẮC BỆNH DẠI”