Khi tiêm vaccine cho bà mẹ đang cho con bú, điều quan trọng là cần phải biết được đáp ứng sinh kháng thể trong sữa mẹ xảy ra như thế nào sau khi người mẹ được tiêm vaccine COVID-19, với các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí eClinical Medicine (Y học lâm sàng – phiên bản điện tử, phát hành trực tuyến), việc tiêm vaccine COVID-19 cho người mẹ đang cho con bú, với vaccine có bản chất là mRNA (RNA thông tin để tổng hợp loại protein mang tính kháng nguyên của vi rút SARS-CoV-2), mang đến hiệu quả đáp ứng sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2 có trong sữa mẹ cao hơn so rõ rệt so với vaccine vector (vaccine được hình thành trên cơ sở gồm "bộ khung" là một phiên bản vô hại của một loại vi-rút khác, trên đó có gắn protein đặc hiệu của vi-rút SARS-CoV-2 để tạo tính kháng nguyên). Điều này cho thấy, nên sử dụng vaccine mRNA giúp cung cấp miễn dịch tốt nhất để bảo vệ, dự phòng COVID-19 cho cho trẻ bú mẹ.
Đây là một nghiên cứu thuần tập, được thực hiện tại Hà Lan từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2021. Nghiên cứu này thông qua mạng xã hội đã tuyển chọn các bà mẹ đang cho con bú ,đã được tiêm các vaccine COVID-19 khác nhau. Các mẫu sữa mẹ được thu thập hàng ngày, trong vòng 70 ngày từ những bà mẹ đang cho con bú đã được tiêm 1 trong 4 loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau: Pfizer-BioNTech (BNT162b2), Moderna (mRNA-1273), Oxford / AstraZeneca (AZD1222) và Johnson & Johnson (Ad26.COV2).
Sau 6 tháng, nghiên cứu đã tuyển chọn được 134 bà mẹ đang cho con bú, trong số này 97 người đã hoàn thành toàn bộ các nội dung nghiên cứu, đồng thời thu thập được 1.887 mẫu sữa. Các nhà nghiên cứu đã đo lường nồng độ các loại kháng thể có trong sữa của mỗi bà mẹ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 trong vòng 15 và 70 ngày sau lần tiêm chủng đầu tiên và so sánh giữa các loại vaccine khác nhau.
Kết quả cho thấy đáp ứng sinh kháng thể trong sữa mẹ là khác nhau giữa các loại vaccine trong thời gian nghiên cứu. Cụ thể là:
- Sau 15 ngày đầu tiên, nồng độ trung bình globulin miễn dịch đặc hiệu SARS-CoV-2 (IgA) trong sữa của những bà mẹ được tiêm vaccine mRNA cao hơn rõ rệt nồng độ trung bình IgA trung bình trong sữa của những bà mẹ được tiêm vaccine vector:
- Tương tự, sau 70 ngày (đặc biệt giai đoạn sau khi tiêm vaccine mũi 2) nồng độ hai loại kháng thể SARS-CoV-2 được tìm thấy trong sữa mẹ là IgA và IgG đều cao hơn rất nhiều khi so với những ngày đầu sau tiêm. Tuy nhiên, các chỉ số này ở nhóm bà mẹ được tiêm vaccine mRNA đều cao hơn hẳn so với các bà mẹ được tiêm vaccine vector.
Sử dụng vaccine mRNA giúp cung cấp miễn dịch tốt nhất để bảo vệ, dự phòng COVID-19 cho cho trẻ bú mẹ.
Với kết quả này có thể nhận định rằng vaccine phòng COVID-19 mRNA nói chung và vaccine mRNA (của Moderna) nói riêng, khi tiêm cho bà mẹ cho đang cho cho con bú không những có tác dụng phòng tránh COVID-19 cho bản thân bà mẹ mà còn cung cấp một lượng lớn kháng thể kháng SARS-CoV-2 cho trẻ được bú mẹ.
Nguồn: sức khỏe & đời sống