Trong lịch sử phát triển của nhân loại, cà phê được phát hiện lần đầu tiên tại Ethiopia và cuộc tranh luận về tác dụng tốt hay xấu của cà phê đã diễn ra, kéo dài suốt hơn 1.000 năm.
Nghiên cứu giữa sử dụng cà phê và bệnh lý thận
Các nghiên cứu dịch tễ học dựa trên dân số nhằm chỉ ra mối liên hệ giữa sử dụng cà phê và chức năng thận. Một nghiên cứu năm 2008 với sự tham gia của hơn 2.600 phụ nữ ở Hàn Quốc chỉ ra rằng uống cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh về thận, kể cả người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên việc thông kê điều tra trên một vùng dân số hẹp vẫn chưa đủ để đem lại kết quả chính xác.
Để làm rõ vấn đề tranh cãi này, vào năm 2016, một nhóm các nhà khoa học khác đã tiến hành nghiên cứu trên cả nam và nữ. Kết quả cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa bệnh thận và cà phê ở nam. Tuy nhiên ở nữ giới, nguy cơ mắc bệnh lý về thận giảm khi cá thể có thói quen sử dụng cà phê thường xuyên.
Kết quả nghiên cứu ở một nơi khác cũng cho thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính ở cộng đồng vùng trồng cà phê thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxy hóa trong cà phê có tác dụng tích cực đến việc duy trì và bảo vệ chức năng thận.
Tác dụng của cà phê đối với người mắc bệnh thận di truyền
Trước đây các nghiên cứu khoa học có thông tin rằng caffeine có thể làm tăng nguy cơ phát triển u nang thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận đa nang (PKD). Tuy nhiên, trong các nghiên cứu lâm sàng hiện nay, uống cà phê không còn được ghi nhận là nguyên nhân xúc tiến quá trình phát triển bệnh.
Nguy cơ sỏi thận
Sỏi Oxalate là một trong những loại sỏi thận phổ biến và thực tế là một trong những nguồn oxalate chính trong chế độ ăn uống của chúng ta là cà phê và trà đen. Do đó, bệnh nhân bị sỏi thận, đặc biệt là những người cơ địa dễ hình thành sỏi canxi oxalate, cần có sự cân nhắc kỹ càng về mức độ tiêu thụ cà phê của mình.
Nguy cơ ung thư thận
Hiện tại chưa có một kết luận rõ ràng nào cho thấy rằng cà phê ảnh hưởng đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận. Thực tế chứng minh được rằng cà phê có chứa caffeine giúp giảm nguy cơ này, trong khi cà phê đã khử caffeine làm tăng mức độ mắc bệnh ung thư tế bào thận. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu làm rõ ràng vấn đề này hơn trước khi đưa ra công bố cuối cùng.
Tác dụng gián tiếp của cà phê lên chức năng thận
Huyết áp cao, đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh lý về thận. Nghiên cứu cho thấy uống cà phê có chứa caffeine làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn, mức độ cao hơn ở những người có tiền sử cao huyết áp. Do đó những người cao tuổi hay người huyết áp cao nên hạn chế sử dụng cà phê thường xuyên.
Thống kê cho thấy ở một người khỏe mạnh, việc tiêu thụ không quá 3 - 4 ly cà phê (mỗi ly khoảng 240ml chứa từ 100 - 200mg cafeine) mỗi ngày sẽ không tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Tuy nhiên, cà phê có chứa một chất làm tăng hoạt động của hệ thần kinh cũng như huyết áp. Nên cho dù bạn uống cà phê đã khử caffeine rồi, vẫn nên cân nhắc trước khi sử dụng để phù hợp với sức khỏe bản thân.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với những hiểu biết và nghiên cứu hiện tại, ta có thể nhận thấy rằng, cà phê có tác động đến huyết áp cơ thể đối với những người không có thói quen uống cà phê thường xuyên, hoặc những người có tiền căn cao huyết áp.
Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa cà phê và nguy cơ mắc các bệnh lý về thận mà uống cà phê đôi khi còn bảo vệ các chức năng của thận, đặc biệt đối với phụ nữ.
Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận canxi Oxalate nên cân nhắc khi cà phê chứa hàm lượng lớn chất này. Hiện tại bằng chứng cho thấy cà phê có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư thận vẫn còn chưa rõ ràng. Và hi vọng rằng, câu hỏi này sẽ sớm có lời giải đáp..