Đây là bệnh lây lan, nên cần phải phòng ngừa, nếu để xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế. Nếu tỉ lệ mắc tăng lên, thì tỉ lệ bệnh nặng và biến chứng cũng sẽ tăng lên, và cũng có thể dẫn đến tử vong.
Để nhận biết bệnh TCM - thì đúng như tên gọi của nó, bệnh thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Đầu tiên, xuất hiện các ban đỏ, sau đó các ban đỏ có thể biến thể thành các mụn phỏng ở da, tập trung ở vùng tay, vùng mông, và lòng bàn chân, lòng bàn tay. Thứ hai, trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và có thể lan ra cả môi, cả lợi. Đó là thể điển hình. Thể không điển hình có thể không xuất hiện cả 3 nơi.
Bệnh TCM có thể kèm theo sốt nhẹ, đứa trẻ kém ăn một chút, một vài trường hợp có triệu chứng đau họng, tiêu chảy nhẹ. Thể nặng có thể sốt cao, giật mình, nôn, bỏ bú, có trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp.
Bệnh TCM thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Ảnh minh họa.
Với những trẻ bị thể TCM loại nhẹ, độ 1, sau khi được bác sĩ thăm khám, hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Biện pháp điều trị cơ bản là dùng dung dịch sát khuẩn ở miệng, dùng gel đánh vào miệng để giữ vệ sinh hoặc giảm đau trước khi ăn 30 phút. Ở da giữ cho nốt phỏng không nên vỡ, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Có thể tắm cho trẻ được, nhưng tránh làm vỡ mụn phỏng, nên dùng dung dịch sát khuẩn bôi thường xuyên.
Khi trẻ sốt, phải cho thuốc hạ sốt sớm. Ở nhiệt độ 38 độ C, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt. Cho uống đầy đủ nước dung dịch điện giải như oresol. Giữ vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn, chỗ bị phỏng vỡ ra cũng có thể là nguồn lây nên phải giữ vệ sinh thật tốt.