Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Cung cấp đúng, đủ chất dinh dưỡng cho các bệnh nhân nói chung và bệnh nhân lao phổi nói riêng là một việc làm rất cần thiết.
Nó góp phần tăng tốc độ lành và phục hồi tổn thương của bệnh.
Kết hợp điều trị với dinh dưỡng sẽ mang đến hiệu quả điều trị bệnh lao phổi cao. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh lao phổi chưa biết thế nào là một chế độ dinh dưỡng tốt, cần bổ sung chất gì và hạn chế món gì? Dưới đây là các thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi.
Khi bị tấn công bởi các vi khuẩn, vi khuẩn lao phổi, phổi của người bệnh bị tổn thương gây ra sự mệt mỏi, ho liên tục, sức đề kháng yếu dần, miễn dịch giảm dần gây ra tình trạng chán ăn, thiếu chất dinh dưỡng dẫn tới sụt cân. Chính vì thế, bổ sung đúng, đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi là một vấn đề cần được chú trọng.
Thực phẩm giàu sắt rất cần thiết cho bệnh nhân lao phổi.
Người mắc bệnh lao phổi nên ăn gì hằng ngày?
Bổ sung khoáng chất
Kẽm: Bên cạnh là một yếu tố cần cho sự đông máu, kẽm còn có tác dụng làm giảm tốc độ lão hóa da, tăng tốc độ phục hồi vết thương và cân bằng hệ miễn dịch. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lao phổi có thể bị thiếu hụt kẽm do tác dụng của thuốc dẫn đến chán ăn và suy giảm hệ miễn dịch. Nếu còn băn khoăn không biết bệnh lao phổi nên ăn gì thì cần chú trọng cung cấp các thực phẩm chứa nhiều kẽm. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có hải sản, đậu hà lan, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc...
Sắt: là chất tạo nên thành phần hemoglobin của hồng cầu và là thành phần quan trọng trong nhân tế bào. Bệnh nhân lao phổi thường bị thiếu máu do thiếu sắt. Phương pháp cung cấp sắt nhanh nhất cho bệnh nhân lao phổi là chế độ ăn uống. Cần bổ sung các thực phẩm chứa sắt trong khẩu phần ăn: mộc nhĩ, nấm hương, lòng đỏ trứng...
Thực phẩm chứa nhiều kali: có vai trò giảm xuất huyết và tăng sinh các tế bào khỏe mạnh. Nên bổ sung thêm rau xanh, dầu thực vật, gan, khoai tây, măng... Thực phẩm chứa nhiều selen (có vai trò loại bỏ các chất độc hại, hoạt hóa lại hệ thống enzym...) như sữa, đậu tương, vừng, ớt...
Bổ sung chất xơ
Trong khẩu phần ăn bệnh nhân cần thêm vào các thực phẩm có nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, phomai,... Vai trò của chất xơ sẽ giúp bệnh nhân cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện các vấn đề tiêu hóa như táo bón và tiêu chảy.
Tăng cường vitamin
Vitamin A, E, C là những chất có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Chúng giúp cơ thể tăng cường hệ thống miễn dịch, nhờ đó tránh được quá trình ôxy hóa và nhiễm khuẩn. Những thực phẩm có chứa nhiều loại vitamin này là: gan, thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò, cá biển, rau có màu xanh...
Vitamin K, vitamin nhóm B: Do đường tiêu hóa bị tổn thương, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của người bệnh kém, dẫn đến thiếu hụt vitamin K và vitamin nhóm B. Kết quả của sự thiếu hụt ấy có thể gây trở ngại cho quá trình đông máu (vitamin K), làm giảm chức năng của hệ miễn dịch, gây viêm dây thần kinh ngoại biên...
Do đó, nếu không biết người bệnh lao phổi nên ăn gì thì cần chú ý bổ sung một số thực phẩm như gan, rau xanh, thịt lợn, đậu, khoai tây…
Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân lao phổi trong 1 ngày
Bữa sáng nên dùng những món ăn nhẹ, dễ ăn như cháo, phở, miến, mì, chút hoa quả mềm, thịt, trứng. Bên cạnh đó, bạn có thể bù nước và muối khoáng nhanh chóng cho cơ thể bằng việc uống thêm nước dừa.
Bữa trưa cần bổ sung vào thực đơn nhiều rau xanh, tăng các món mặn chứa nhiều protein như thịt gà, vịt, heo.
Bữa chiều nên ăn các thực phẩm tốt cho cơ thể và có tác dụng đào thải độc tố nhanh chóng như cá, đậu phụ, cà chua...
Bệnh lao phổi kiêng ăn gì?
Đồ ăn cay nóng, kích thích như bột hạt cải, gừng, ớt vì các loại này sẽ khiến tình trạng ho nặng và kéo dài hơn, thậm chí dẫn đến khạc đờm ra máu. Không uống bia rượu, các chất kích thích, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá vì người bệnh lao phổi dễ xảy ra tình trạng sốt kéo dài, rối loạn thần kinh và ra mồ hôi trộm, đặc biệt còn làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân lao phổi nên hạn chế thức ăn nhiều mỡ, các thức ăn chế biến sẵn. Điều này hạn chế tình trạng ho, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm, rối loạn thần kinh... Đồng thời cần chú ý vệ sinh sạch sẽ môi trường sống. Bệnh nhân không được khạc nhổ bừa bãi để tránh sự lây lan của trực khuẩn lao.
Dinh dưỡng của người bệnh lao phổi cũng cần được tham khảo sự tư vấn của bác sĩ điều trị trực tiếp, bởi chính bác sĩ là người nắm rõ tình trạng bệnh nhất và có những lời khuyên xác thực nhất cho ăn uống kết hợp điều trị bệnh hiệu quả.