Kiểm soát bệnh tăng huyết áp được cho là nhiệm vụ trọng tâm của y tế công cộng và cách tiếp cận chế độ ăn uống để giải quyết cơn tăng huyết áp đã từng được tập trung chủ yếu vào lượng natri (muối) hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm huyết áp bằng cách hạn chế ăn muối là rất mong manh. Hơn nữa, thực phẩm chế biến sẵn không chỉ có muối mà còn có các thành phần tinh chế lớn từ các loại đường và các loại tinh bột khác nhau.
Các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu dân số và các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến đường là rất thuyết phục. Chúng chỉ ra rằng đường đóng vai trò chính trong sự phát triển của chứng tăng huyết áp. Hơn nữa, các bằng chứng này còn cho thấy đường nói chung và fructose nói riêng có thể góp phần tăng các rủi ro tim mạch. Khi nói đến đường, ít nhất chúng ta cần hiểu một cách khái lược nhất về glucose và fructose. Cơ thể chúng ta có khả năng sản xuất ra glucose và mỗi tế bào trên bề mặt trái đất đều chứa glucose bên trong. Nó là một phân tử vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên fructose thì không như vậy. Cơ thể chúng ta không sản xuất fructose và trong lịch sử tiến hóa cũng không bao giờ tiêu thụ nó, ngoại trừ các loại quả chín theo mùa.
Sự khác biệt lớn nhất của hai loại đường này đó là: Khi mọi tế bào trong cơ thể đều có thể sử dụng glucose thì chỉ có gan là cơ quan duy nhất có khả năng chuyển hóa một lượng fructose nhất định. Nếu chúng ta ăn nhiều các chế phẩm có nhiều fructose (là chất làm ngọt phổ biến nhất trong các thực phẩm chế biến, đặc biệt là nước trái cây và nước ngọt), gan sẽ phải làm việc quá tải và chuyển hóa chúng thành chất béo. Đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2, tim mạch và thậm chí cả ung thư.
Người có tiền sử huyết áp nên thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà
Đường ảnh hưởng tới huyết áp như thế nào?
Khi lượng đường được ăn nhiều hơn sẽ làm tăng đáng kể huyết áp tâm thu (6,9 mmHg) và huyết áp tâm trương (5,6 mmHg). Theo nghiên cứu, những ai ăn nhiều calo (từ 25% calo trở lên) sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần.
Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người hiện nay cao gấp từ 2 đến 8 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do thói quen ăn uống các chế phẩm ăn nhanh và làm sẵn. Xét đến thanh thiếu niên cụ thể, mức tiêu thụ hiện tại có thể cao gấp từ 6 đến 16 lần.
Fructose – từ sản phẩm sinh học tự nhiên (trái cây) lại không gây hại mà rất có lợi cho cơ thể.
Việc lạm dụng quá mức fructose do ăn uống là một cơ chế có khả năng làm tăng nhịp tim, nồng độ muối trong thận và sức đề kháng của mạch máu… Tất cả những điều này đều có thể tương tác làm tăng huyết áp và tăng nhu cầu về oxy cơ tim.
Tuy nhiên, ăn đường - bao gồm cả fructose – từ sản phẩm sinh học tự nhiên (trái cây) lại không gây hại mà rất có lợi cho cơ thể.
Người béo phì, có nguy cơ bị huyết cao, cao gấp từ 2 đến 6 lần so với những người gầy.
Theo tiến sĩ James DiNicolantonio, Mỹ, việc giảm tiêu thụ đường bằng cách hạn chế các thực phẩm chế biến có chứa chúng nên được thực hiện trước tiên ngay ở các công ty chế biến thực phẩm thông qua tuyên truyền và tập huấn kiến thức sức khỏe. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng ngay cả khi dùng một lượng đường vừa phải trong khoảng thời gian ngắn cũng có thể gây ra những tác động xấu với cơ thể.
Uống thường xuyên các đồ uống có đường như soda, cola, các đồ uống ngọt có ga… có thể dẫn đến hiện tượng lão hóa sớm các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị bệnh mạn tính tương đương với ảnh hưởng của việc hút thuốc lá.