BA BIẾT
Trước khi đột quỵ xuất hiện thường có 3 nhóm triệu chứng cảnh báo (có thể xem là cơn đột quỵ nhẹ hay cơn thiếu máu não thoáng qua). Thông thường, những cơn đột quỵ nhẹ tồn tại dưới 24 giờ và chỉ diễn ra trong vòng vài phút hoặc chỉ 1-2 giờ.
1. Chóng mặt-Mất thăng bằng:
Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất trí nhớ tạm thời cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo lưu lượng máu lên não không đủ, nếu bỗng dưng bị chóng mặt mà không rõ nguyên nhân thì có khả năng cao đột quỵ sẽ xuất hiện.
2. Tay chân tê yếu
Khi vùng não chi phối hoạt động của tay, chân không được cung cấp máu đầy đủ, người mắc sẽ có cảm giác mất lực ở tay, chân, không điều khiển được tay chân của mình hoặc khó khăn khi cầm nắm đồ vật.
3. Nói khó: Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường.
Nhiều trường hợp, cục máu đông bị phá vỡ ngay sau đó nên những triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua trong thời gian ngắn khiến người bệnh chủ quan. Nhưng đây cũng là tín hiệu cảnh báo sự phá hủy cục máu đông tự nhiên trong cơ thể đang diễn ra chậm hơn hình thành. Do đó, nguy cơ đột quỵ sẽ xuất hiện sau đó là rất lớn và cần có ngay biện pháp phòng tránh để dự phòng đột quỵ hiệu quả.
Nếu có các triệu chứng nêu trên, nên đưa bệnh nhân vào thẳng Trung tâm Đột quỵ- Bệnh viện Trung ương Huế để khám và điều trị càng sớm càng tốt! Tránh bỏ qua thời gian vàng quý báu!
BA TRÁNH
1.Tránh lạnh
Tết là thời điểm giao mùa nên thời tiết vẫn còn khá lạnh. Trong đó, người dân thường xuyên có những hoạt động ngoài trời như cúng giao thừa, xem pháo hoa hay phải dậy sớm để chuẩn bị những mâm cỗ cúng ngày Tết. Đột ngột ra ngoài khi trời lạnh khiến mạch máu co lại, huyết áp gia tăng và đột quỵ dễ xảy ra. Đặc biệt, người cao tuổi cơ chế điều hòa thân nhiệt kém lại càng cẩn trọng hơn vào dịp này. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều áo mỏng có thể giúp giữ ấm cho cơ thể hơn là mặc một chiếc áo dày, sắm một chiếc mũ len và một cái khăn quàng để giữ ấm cho đầu và cổ, hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi. Tắm bằng nước ấm và làm ướt cơ thể từ từ khi tắm.
2. Tránh ăn uống, sinh hoạt quá mức
Tết là thời điểm quây quần bên gia đình nhưng cũng là lúc mà nhịp sống bị đảo lộn. Nhiều công việc như nấu bánh chưng, thức khuya đón giao thừa,... cùng với việc sử dụng nhiều rượu, bia liên tiếp trong các bữa tiệc ngày Tết có thể là nguyên nhân khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng.
3. Tuân thủ điều trị - chìa khoá vàng trong dự phòng đột quỵ
Những người mắc phải các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu,... có nguy cơ đột quỵ cao. Ở những đối tượng này khả năng hình thành các mảng xơ vữa cao hơn bình thường, giảm tính đàn hồi thành mạch và tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành. Nhiều người lo ngại tác dụng phụ của thuốc hoặc sự tương tác thuốc điều trị cùng với việc sử dụng rượu bia với tần suất và số lượng tăng cao trong những ngày Tết nên bỏ việc điều trị, vì vậy nên nhớ:
- Kiểm soát huyết áp, cần duy trì huyết áp 130/80mmHg. Thực hiện chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm căng thẳng và uống thuốc điều trị liên tục.
- Với những người có bệnh lý Đái Tháo đường cần: Kiểm soát đường huyết và dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của thầy thuốc duy trì đường máu khoảng 7-8mmol/l.
- Kiểm soát cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (hạn chế mỡ động vật, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol) dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của thầy thuốc.