Những lợi ích của sữa mẹ:
Thiên chức của người phụ nữ lớn lao là được làm vợ, làm mẹ. Truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đều mong muốn nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, đó là một tập quán tốt và khoa học.
Hiện nay, với cơ chế thị trường có nhiều quảng cáo về các loại sữa giúp trẻ phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, thông minh…với nhận thức chưa đúng của một số bà mẹ đã xem sữa công thức có thể thay thế được sữa mẹ, thậm chí tốt hơn sữa mẹ.
Các nhà dinh dưỡng đã đưa ra các khuyến cáo rằng không có một loại thực phẩm, thức ăn nào tốt hơn sữa mẹ, có thay thế được và phù hợp như sữa mẹ. Vì vậy duy trì và bảo về nguồn sữa mẹ cho trẻ là cần thiết và quan trọng.
Nếu thời gian nuôi con bằng sữa mẹ quá ngắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ bà mẹ và trẻ em sẽ chậm phát triển về trí tuệ và cả thể lực. Bởi vì thức ăn bổ sung thay thế sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng thấp, gây nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi…
Sữa mẹ bảo vệ trẻ chống lại bệnh tật.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 26% trẻ bị viêm đường hô hấp, 30-50% trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng.
Sữa mẹ có các bạch cầu, kháng thể (IgA) và các tiểu thể (lysozyme) làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong cao ở trẻ. Điều này có nghĩa là nó giúp tăng sức đề kháng của cơ thể đối với những bệnh nhiễm khuẩn thông thường ở trẻ như tiêu chảy, viêm phổi...
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm lý tưởng
Năng lượng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ từ các chất bột đường (lactose) và chất béo chủ yếu có trong sữa mẹ. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose hơn, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển.
Chất đạm cần cho sự tăng trưởng, giúp xây dựng và sữa chữa các tế bào hư hỏng.
Chất béo trong sữa mẹ có vai trò là chất chuyên chở những vitamin tan trong chất béo như vitamin A&D, cùng với axit béo thiết yếu là axit linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô. Thành phần axit béo trong sữa mẹ cho phép cải thiện sự hấp thu chất béo tại ruột.
Cơ thể trẻ có thể hấp thụ 66% lượng canxi trong sữa mẹ, chỉ có 40% lượng canxi trong các loại sữa bột.
Tính đa dạng trong thành phần của sữa mẹ:
Sữa non: Sữa mẹ được bài tiết trong vài ngày đầu được gọi là sữa non. Sữa non chứa nhiều chất chống nhiễm khuẩn để bảo vệ cơ thể. Sữa non chứa nhiều vitamin A làm giảm nhiễm khuẩn nặng và phòng các bệnh về mắt. Sữa non còn có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân xu, ngăn chặn vàng da. Sữa non có yếu tố phát triển, giúp cho hệ thống tiêu hoá của trẻ phát triển nhanh sau khi sinh đề phòng chống dị ứng và không dung nạp với các thức ăn khác.Sau khi sinh vài ngày sữa mẹ sẽ được sản xuất ổn định hơn. Số lượng nhiều hơn, vú có cảm giác cứng và nặng, người ta gọi là hiện tượng sữa về.
Sữa đầu là sữa được sản xuất vào đầu bữa bú, số lượng nhiều, sữa đầu có nhiều nước, protein và đường. Trẻ bú mẹ chủ yếu nhận được đủ nước khi bú sữa đầu nên không cần uống thêm nước ngay cả khi trời nóng nực.
Sữa cuối trông đặc hơn vì có nhiều chất béo. Chất béo cung cấp năng lượng cho bữa bú, nên phải cho trẻ bú kiệt hết một bên vú rồi mới chuyển sang vú bên kia để trẻ nhận được đầy đủ lượng chất béo cần thiết.
Cách cho con bú đúng:
* Ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú:
- Trẻ bú càng sớm càng tốt, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa.
- Trẻ được bú sữa non sẽ có kháng thể phòng bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.
* Số lần cho trẻ bú tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ:
- Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn, cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.
- Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ.
- Sau khi bú hết một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.
* Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả nước trong:
- Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú.
- Trẻ đẻ non, yếu hoặc trường hợp mẹ bị ốm…mà không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ ra cốc và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc trực tiếp uống bằng cốc.
* Nên cho trẻ bú đến 18 tháng - 24 tháng tuổi không cai sữa trẻ trước 12 tháng tuổi
Nuôi con bằng sữa mẹ còn có tác dụng tốt về phương diện tâm lý. Cho con bú mẹ làm gắn bó tình cảm giữa mẹ con, giúp trẻ phát triển tốt về mặt tình cảm và trí tuệ sau này.