1. Xin Bác sĩ cho biết sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi?
- Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 15/2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.570.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 490.000 trẻ dưới 18 tuổi (chiếm tỷ lệ 19,2%), chỉ riêng độ tuổi từ 6-12 tuổi mắc COVID-19 (chiếm 8%). Tử vong do COVID-19 ở trẻ em là 165 ca (chiếm 0,42% so với tử vong chung), trong đó trẻ 6-12 tuổi tử vong chiếm tỷ lệ 0,1%.
Tại Thừa Thiên Huế, đến ngày 4/4/2022, ghi nhận 172955 người mắc COVID-19, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi 49279 trường hợp (chiếm tỷ lệ 28,5%), chỉ riêng độ tuổi 5-11 tuổi có 24481 trường hợp (chiếm tỷ lệ 14,1%)
Số trẻ em nhập viện hầu như thuộc phân tầng 2, thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em (Hội chức MIS-C), đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác, đã cần sự can thiệp của y tế. Trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19), ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ.
- Việc trẻ bị ốm sẽ kéo theo phụ huynh phải nghỉ việc để chăm sóc cho trẻ, ảnh hưởng đến công việc hằng ngày, thu nhập kinh tế của gia đình,…
- Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
-Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng. Đặc biệt trong gia đình có những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
- Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nói riêng và trẻ em nói chung, cần phải được xem giống như tiêm các loại vắc xin thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi…) để bảo vệ trẻ trước đại dịch COVID-19
2. Vậy việc tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ như thế nào? Và những thông tin liên quan loại vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ ra sao thưa bác sĩ ?
Nguyên tắc:
- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
- Cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
- Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin.
- Tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến lứa tuổi thấp.
- Đối tượng: tất cả trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi hiện đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự kiến: số trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi ( toàn tỉnh 144.820, không đồng ý tiêm 17.284)).
- Phạm vi triển khai: 9 huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Thời gian: Dự kiến từ tháng 4-2022 đến tháng 6-2022, tùy nguồn vắc xin Trung ương cấp (đã hoàn thành chuẩn bị danh sách trẻ, UBND tỉnh đã phê duyệt KH triển khai, các địa phương đang XD KH triển khai, hiện đang chờ vắc xin, dự kiến ngày 10/5 vắc xin về đến VN)
- Hình thức:
+ Đối với trẻ đi học: tiêm tại trường học.
+ Đối với trẻ không đi học: tiêm tại Trạm Y tế địa phương.
+ Đối với trẻ có bệnh nền hoặc đang điều trị nội trú: tiêm tại cơ sở y tế đang điều trị (nếu cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện tiêm chủng) hoặc Trung tâm Y tế địa phương hoặc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế hoặc Bệnh viện Trung ương Huế.
- Loại vắc xin sử dụng: vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 05 đến dưới 12 tuổi, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Hiện nay có 2 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép là vắc xin Pfizer (cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) và Moderna (cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi)
3. Xin Bác sĩ cho mọi người vài lời khuyên khi đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 ?
- Trước khi đến cơ sở tiêm, bố mẹ nên trao đổi với trẻ để chuẩn bị tốt tinh thần cho trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm.
- Đưa trẻ đi tiêm khi được thông báo: đúng thời gian, địa điểm được cơ sở tiêm chủng sắp xếp
- Khai báo tình hình sức khỏe của trẻ, đặc biệt tiền sử dị ứng của trẻ.
- Theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm: sau khi tiêm chủng cần cho trẻ ở lại địa điểm tiêm ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày, đặc biệt 48 giờ đầu sau tiêm. Theo dõi nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
- Cách xử trí: nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bù điện giải Oresol. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, hoặc thấy một trong những dấu hiệu sau thì cần liên hệ ngay với cấp cứu hoặc đến thẳng bệnh viện:
+ Kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng.
+ Đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi…
+ Khó thở: khi hoạt động bình thường, khi nằm..
+ Sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24h.
+ Vân tím trên da.
+ Phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ
- Khi cần liên hệ với bác sĩ tại cơ sở tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất.
- Thực hiện 5 K