""TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH" "
Tìm kiếm tin tức
Danh Mục
.
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.266.065
Truy câp hiện tại 144
Rối loạn phân ly – một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ em
Ngày cập nhật 08/06/2018

     Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số. Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con…

     Để hiểu rõ hơn về khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị chứng bệnh này, Ths.Bs Nguyễn Mai Hương sẽ chia sẻ với độc giả những thông tin cụ thể dưới đây:

  1. Khái niệm:

     – Rối loạn phân ly (trước kia gọi là Hysteria) là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ: 0,3-0,5% dân số. Theo Phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (ICD 10), rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…

     – Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.

  1. Triệu chứng

     Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính “chịu ám thị”. Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay. Ví dụ, tiêm nước cất có thể làm mất cơn co giật.

     – Rối loạn vận động: các động tác lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp)…

     – Rối loạn cảm giác: tăng hoặc giảm cảm giác đau quá mức (bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay… nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau)

     – Cơn kích động cảm xúc: cười, khóc, gào hét, cảm xúc hỗn độn, nói năng lộn xộn, sợ hãi vô cớ…

     – Sững sờ, ngất: bệnh nhận nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, không nói và không hoạt động, không có đáp ứng với các kích thích bên ngoài, có thể nhắm hoặc mở mắt, tuy nhiên không bị mất ý thức hoàn toàn

     – Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: bệnh nhân cư xử, nói năng như thể một người khác, hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển.

     Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.

  1. Nguyên nhân, yếu tố thuận lợi

     Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vây, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc

Các yếu tố thuận lợi phát sinh rối loạn phân ly:

– Nhân cách: nhân cách yếu, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính dễ xúc động, thích được chú ý, nhân cách “nghệ sỹ”.

– Môi trường: sự giáo dục không thích hợp, gia đình quá bao bọc hoặc quá khắt khe, môi trường không bền vững, thay đổi liên tục.

– Cơ thể: suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, trong giai đoạn dậy thì…

 Bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đang cho các em nhỏ trường tiểu học Nà Bản làm test tâm lý

  1. Điều trị:

     Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Với cá nhân:

– Tránh thái độ coi đây là bệnh giả vờ, hoặc ngược lại thái độ trầm trọng hóa, quan trọng hóa vấn đề. Nếu theo dõi quá chặt chẽ, quá quan tâm, lo lắng thì các triệu chứng bệnh có thể nặng lên.

– Dùng những liệu pháp ám thị để làm giảm và mất triệu chứng.

– Hướng dẫn những bài tập thư giãn, các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề để nâng đỡ nhân cách người bệnh.

– Có thể dùng một số loại thuốc, thực phẩm nhằm nâng cao thể trạng. Trong trường hợp có lo âu cần dùng những loại thuốc giải lo âu.

– Giải thích hợp lý với gia đình, động viên gia đình tham gia tích cực trong quá trình trị liệu.

Với tập thể:

– Nhanh chóng tách riêng các em bị bệnh, tránh sự lan truyền

– Trấn an các trẻ khác trong tập thể

– Cải thiện môi trường học tập, giảm áp lực

– Tổ chức các hoạt động vui chơi, tạo không khí sôi nổi, tích cực

– Có các hoạt động tham vấn tâm lý học đường. Phát hiện sớm những cá nhân có sang chấn tâm lý nhằm hỗ trợ, trị liệu kịp thời.

  1. Phòng bệnh

   – Rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

– Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.

– Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể…

– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập.

– Trong một tập thể cần bố trí tỷ lệ nam, nữ hài hòa.

 

CN Huệ - Tổ T3G A Lưới (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác đơn vị
Thứ hai ngày 25/11/2024
Thứ ba ngày 26/11/2024
Thứ tư ngày 27/11/2024
Thứ năm ngày 28/11/2024
Thứ sáu ngày 29/11/2024
Thứ bảy ngày 30/11/2024
Chủ nhật ngày 01/12/2024
Chưa cập nhật lịch công tác

Chung nhan Tin Nhiem Mang