Người nghi lao phổi: Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng sau:
Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất.
Ngoài ra có thể:
Gầy sút, kém ăn, mệt mõi
Sốt nhẹ về chiều
Ra mồ hôi “trộm” ban đêm
Đau ngực, đôi khi khó thở
Những người có các triệu chứng nghi lao nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của Chương trình chống lao quốc gia.
Bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB):
Lao kháng đa thuốc là vi khuẩn lao kháng đồng thời với ít nhất hai thuốc chống lao Isoniazid và Rifampicin.
Lao kháng Rifampicin: vi khuẩn lao kháng với Rifampicin, có hoặc không kháng thêm với các thuốc lao khác kèm theo. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các chủng vi khuẩn lao đã kháng Rifampicin thì có tới trên 90% có kèm kháng Isoniazid vì vậy khi phát hiện kháng Rifampicin, người bệnh được coi như đa kháng thuốc và được thu nhận điều trị theo phác đồi lao kháng thuốc.
Xét nghiệm Gene Xpert: Gene Xpert là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, quy trình thao tác đơn giản, kỹ thuật cho kết quả nhanh và là “kết quả kép”, tức là đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít và vi khuẩn có kháng với thuốc Rifampicin (RIF) hay không. Gene Xpert phát hiện chuỗi DNA của vi khuẩn lao và tính kháng RIF bằng phản ứng polymerase. Xpert MTB/RIF cho phép xác định vi khuẩn lao với độ nhậy rất cao (99% người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp dương tính, 80 % người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính, 91% với các trường hợp nuôi cấy dương tính và 72,5% với người bệnh nuôi cấy âm). Kỹ thuật này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng thực tháng 12/2010 và khuyến cáo sử dụng trong công tác phòng, chống lao.
Người nghi lao kháng thuốc được chỉ định xét nghiệm Gene Xpert
1. Người bệnh lao điều trị thất bại với phác đồ 2.
2. Người nghi lao mới hoặc người bệnh lao mới có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng.
3. Người bị bệnh lao điều trị thất bại với phác đồ 1.
4. Người bệnh lao không âm hóa đờm sau 2 hoặc 3 tháng điều trị với phác đồ 1 hoặc phác đồ 2.
5. Người bệnh lao tái phát (tái phát phác đồ 1 và phác đồ 2).
6. Người bị bệnh lao điều trị lại sau bỏ trị (sau phác đồ 1 và phác đồ 2)
7. Người bệnh lao mới có HIV (+).
8. Các trường hợp khác: Bao gồm người nghi lao hoặc người bệnh lao có tiền sử dùng thuốc lao trên 1 tháng (bao gồm cả người nghi lao tái phát, người nghi lao sau bỏ trị, người nghi lao hoặc người bệnh lao có tiền sử điều trị lao ở y tế tư nhưng không rõ kết quả điều trị.
9. Người bệnh lao phổi AFB(+) mới.