Những ích lợi
Các nghiên cứu cho thấy, rượu kích thích sự tiết nước bọt và dịch vị, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Rượu chứa nhiều vitamin B hỗ trợ hệ tiêu hóa tiêu hóa nhanh các chất đạm (protrid) và tinh bột (glucide). Rượu ngọt giúp tiêu hóa thịt, cá nhanh hơn, hạn chế trướng bụng, đầy hơi. Các loại rượu sâm panh (champagne), rượu đỏ (vang đỏ) rất giàu potassium và magnesium tốt cho gan, nếu uống ở mức độ cho phép và không phải kiêng rượu.
Rượu, bia là thủ phạm làm trầm trọng thêm bệnh về gan và viêm loét dạ dày.
Và sự bất lợi của rượu
Ở nước ta có nhiều loại rượu, nhưng nói chung có 4 loại chính: rượu ngoại, rượu nhà máy, rượu tự nấu và rượu tự pha chế. Hai loại rượu ngoại và rượu nhà máy có thể có tính chất an toàn hơn vì sản xuất theo công nghệ đảm bảo cho nên đã loại bỏ được một số chất độc hại như andehyt axetic, ethyl axetat, axit axetic. Các loại rượu tự nấu, tự pha chế là các loại hay dùng nhất ở Việt Nam vì thông dụng, rẻ tiền (rượu nếp, rượu gạo, rượu sắn, rượu đế...) nhưng chưa loại bỏ các chất độc hại cho cơ thể, đặc biệt là loại rượu tự pha chế. Ngoài lợi ích giúp cho tiêu hóa tốt thì sau khi uống rượu, rượu sẽ ngấm vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể gây kích thích làm tăng hoạt động, nhất là uống với lượng quá mức cho phép. Rượu sẽ làm cho tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn và kích thích thần kinh làm cho người uống rượu sảng khoái hơn, nhưng khi lượng rượu vào máu quá mức và dồn dập, nhất là rượu tự nấu và tự pha chế sẽ có tác dụng ngược lại. Một số bệnh sẽ nặng lên hoặc có cơn kịch phát khi uống rượu như bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh dạ dày, bệnh dị ứng (hen phế quản, viêm da dị ứng, mề đay, tổ đỉa...) hoặc làm bệnh trầm trọng thêm như các bệnh về gan (viêm gan A, B, C cấp tính và mạn tính, xơ gan). Lý do là rượu sẽ kích thích hệ thần kinh, nhất là thần kinh thực vật làm cho bệnh xuất hiện đợt cấp tính hoặc có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khó lường như tai biến mạch máu não, đột quỵ, ngộ độc rượu, ngộ độc thần kinh, loạn thần (hung hăng, đập phá, chửi người trong nhà, hàng xóm). Nếu là rượu tự pha chế, do có nhiều chất độc hại và nồng độ cao sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Uống rượu thế nào cho hợp lý?
Trong những ngày vui, dịp lễ Tết, bạn bè lâu ngày gặp nhau, anh em xa xứ mới được đoàn tụ, gia đình lâu ngày sum họp cho nên việc chúc tụng nhau thường kéo dài và lượng rượu được đưa vào máu cũng có tỉ lệ thuận với thời gian của các cuộc vui. Thêm vào đó, các bạn trẻ thường dùng câu châm ngôn “nam vô tửu như kỳ vô phong” để kích nhau mỗi lần nhậu làm cho nhiều bạn dù không uống được nhưng cũng cố gắng chứng tỏ mình là "cánh mày râu" và cuối cùng là say xỉn và có thể để lại nhiều hậu quả khó lường. Nên uống ở mức độ vừa phải nhằm mục đích vui là chính chứ không được để rượu làm bệnh tăng lên. Mỗi bữa ăn cũng chỉ nên uống một vài chén (tách, ly) là vừa đủ để kích thích ăn ngon hơn. Không nên uống quá chén sẽ dẫn đến say (xỉn). Khi say tại bàn tiệc sẽ làm mất vui vì sẽ nói to, nói nhiều, nói linh tinh, thậm chí chửi bậy, nói tục tĩu, tệ hại hơn có thể xảy ra đánh nhau gây án mạng, đôi khi làm mất tình, mất nghĩa người thân, bạn bè, làng xóm. Người say rượu nếu tham gia giao thông sẽ có nguy cơ gây tai nạn, làm khổ cho mình, cho gia đình và cho bao người khác. Khi say xỉn, lúc về đến nhà có thể nôn mửa, mắng chửi người thân, hàng xóm một cách thậm tệ, thậm chí gây bạo hành trong gia đình.
Người bệnh tăng huyết áp, tiền sử đột quỵ, tai biến, đái tháo đường, tăng mỡ máu, loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường... cần tuyệt đối kiêng rượu bởi vì kiêng được rượu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mình. Cha ông có câu “tửu bất khả ép”. Sức khỏe là vô cùng đáng quý, đừng vì quá chén mà làm mất tất cả.
Khi đã cố gắng đến mức tối đa nhưng vẫn quá chén (vì bình thường không uống được rượu) có thể uống ngay 1 cốc nước mía hoặc nước sắc gừng tươi (thêm chút mật ong); hoặc cốc nước ép cà chua chín, cốc chè xanh đặc giúp giải độc rượu, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.