Điều trị Methadone là phương pháp dùng thuốc tổng hợp chất dạng thuốc phiện Methadone hợp pháp để thay thế chất gây nghiện heroin bất hợp pháp. Tùy theo độ dung nạp heroin của mỗi bệnh nhân, hàng ngày người tham gia điều trị được uống một lượng Methadone (dạng xirô) theo chỉ định của bác sĩ, nhằm giúp người nghiện giảm dần lượng heroin đang sử dụng và tiến tới ngừng hẳn. Methadone không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, dần dần phục hồi những hậu quả nặng nề về tâm lý và thể chất do heroin gây tổn thương, giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và ổn định cuộc sống.
Methadone được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng luôn đảm bảo, có giá thành rẻ rất nhiều so với heroin. Methadone không tạo cảm giác phê, một liều có tác dụng trong vòng 24 giờ, trong khi đó một liều heroin có tác dụng từ 2-8 giờ, người sử dụng nó có xu hướng ngày càng tăng số lần và số lượng để đạt được cảm giác phê sướng. Nhờ vậy khi tham gia điều trị Methadone, bệnh nhân không phải lo nghĩ tìm cách kiếm tiền, do không còn nhu cầu cho việc sử dụng heroin bất hợp pháp đáp ứng cho cơn thèm nhớ mãnh liệt, nên có thời gian để làm việc, để chăm lo gia đình. Methadone đảm bảo an toàn ở liều điều trị, không gây hại cho sức khỏe.
Muốn được tham gia chương trình điều trị Methadone, người bệnh phải tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia điều trị và photo một số giấy tờ theo quy định. Sau đó, cán bộ tư vấn cơ sở điều trị sẽ tiến hành 5 nội dung để chuẩn bị cho ngày khởi liều, trong đó có 3 buổi giáo dục nhóm cho cả bệnh nhân và người nhà hỗ trợ:
1. Đánh giá ban đầu: để tìm hiểu về nhân thân, xác định mức độ lệ thuộc, tiền sử cai nghiện, động cơ tham gia điều trị và những nguồn hỗ trợ từ gia đình. Những thông tin cá nhân của người bệnh sẽ được bảo đảm tính bí mật. Vì vậy, người bệnh nên chia sẻ thông tin của bản thân mình một cách trung thực để các tư vấn viên và bác sỹ điều trị xác định liều điều trị khởi đầu phù hợp.
2. Giáo dục nhóm lần 1: Nhằm giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có những thông tin cơ bản về các vấn đề có liên quan đến Methadone, tuân thủ điều trị, để bệnh nhân chuẩn bị, xác định tư tưởng tham gia điều trị lâu dài.
3. Tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm: để thiết lập mối quan hệ giữa TVV với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tìm hiểu những vướng mắc, trở ngại của người bệnh và gia đình. Giúp bệnh nhân xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch điều trị, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý, và trang bị một số kỹ năng cần thiết.
4. Giáo dục nhóm lần 2: Trước ngày khởi liều nhằm củng cố kiến thức cơ bản về Methadone, thông tin và những lưu ý quan trọng trong ngày đầu tiên khởi liều, quá trình điều chỉnh liều và tuân thủ lịch khám, tư vấn, xét nghiệm.
5. Giáo dục nhóm lần 3: Trong ngày khởi liều để hỗ trợ tâm lý, theo dõi và tìm hiểu cảm giác sau khi bệnh nhân uống liều thuốc đầu tiên, thảo luận và trang bị các kỹ năng đối phó thèm nhớ heroin, kỹ năng đối phó rủ rê của bạn chích, lối sống lành mạnh và kiến thức về HIV.
Methadone được điều trị theo nguyên tắc từ liều thấp đến liều cao. Sau khi "Khởi liều" là liều thuốc được uống lần đầu tiên, bệnh nhân phải ở lại cơ sở 4 giờ đồng hồ để bác sỹ theo dõi và bổ sung liều methadone cho phù hợp. Nên uống Methadone vào buổi sáng cùng một thời điểm của mỗi ngày là tốt nhất.
Những ngày tiếp theo là giai đoạn "Dò liều", đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với bệnh nhân, do liều thuốc chưa đạt đến ngưỡng tối ưu, nên có xuất hiện hội chứng cai, người mệt mỏi, buồn bực, bồn chồn, nóng nảy, tuy nhiên vẫn nhẹ hơn so với cơn vật vã heroin. Thông thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 hội chứng cai sẽ giảm rõ rệt sau đó sẽ mất hoàn toàn, từ tuần thứ 2 cảm giác thèm nhớ heroin sẽ giảm dần rồi mất hẳn. Vì vậy trong 2 tuần đầu tiên điều trị, người bệnh và người hỗ trợ bệnh nhân nên thường xuyên gặp tư vấn viên hoặc bác sỹ để trao đổi, phản hồi những diễn biến thực tế của bệnh nhân để được điều chỉnh liều phù hợp. Trong giai đoạn dò liều bệnh nhân không nên sử dụng heroin, rượu hay các chất gây nghiện khác bởi nguy cơ gây sốc do quá liều.
Giai đoạn "Điều chỉnh liều" bắt đầu từ tuần thứ 3 đến 1 tháng, với những bệnh nhân có độ dung nạp cao, giai đoạn này kéo dài đến tháng thứ 2 hoặc lâu hơn, các dấu hiệu chính vẫn là nóng nảy, buồn bực, lo âu, mệt mỏi, khó ngủ và thèm nhớ heroin. Cứ 3 - 5 ngày bệnh nhân sẽ được tăng từ 5 - 10 mg, khi liều methadone đạt đến liều tối ưu, người bệnh không còn thèm nhớ heroin như trước do cơ chế Methadone khóa tác động của heroin. Nếu có thử sử dụng lại heroin bệnh nhân không còn cảm giác phê sướng, khoái cảm hay cảm nhận mùi thơm như trước cũng mất hoàn toàn.
Giai đoạn "Điều trị duy trì" được bắt đầu khi bệnh nhân mất hoàn toàn hội chứng cai, không còn thèm nhớ heroin và giấc ngủ ngon, không còn giật mình, không mộng mị thì sẽ duy trì ở liều ổn định. Thời gian điều trị duy trì càng lâu càng tốt, có thể từ 1 đến 2, 3 năm hoặc lâu hơn để tổn thương não có thời gian hồi phục, mức độ ổn định về sức khỏe tâm thần, thể chất và chất lượng cuộc sống được cải thiện và nâng cao. Để đạt được hiệu quả tối ưu người bệnh cần phải nghiêm túc tuân thủ điều trị theo quy định chuyên môn.
Methadone là một loại thuốc có tác dụng rất mạnh có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách hoặc dùng quá liều. Việc điều trị methadone vẫn có những nhược điểm, hạn chế nhất định như khi ngừng uống methadone sẽ xuất hiện hội chứng cai, so với heroin tuy mức độ tuy nhẹ hơn nhưng thời gian kéo dài hơn. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa cho phép người bệnh mang liều Methadone về nhà, tránh việc bị đưa ra thị trường chợ đen, vì vậy bệnh nhân phải đến cơ sở điều trị uống methadone hàng ngày có sự giám sát của nhân viên y tế.
Tất cả các loại thuốc ngoài tác dụng chính chúng đều có một số tác dụng không mong muốn. Methadone cũng vậy, tác dụng chính là khóa tác động của heroin, ngoài ra chúng có một số tác dụng không mong muốn hay gặp như: táo bón, buồn ngủ, khô miệng, sâu răng, đổ mồ hôi, và một số tác dụng không mong muốn ít gặp như buồn nôn dai dẳng, rối loạn hóc môn làm giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, phục hồi khả năng sinh sản. Khi có các tác dụng không mong muốn như trên bệnh nhân nên gặp trực tiếp gặp bác sỹ điều trị hoặc tư vấn viên để được hướng xử lý kịp thời.
Nếu trong 30 ngày liên tục người bệnh không đến cơ sở uống thuốc, thì việc điều trị của người bệnh sẽ được chấm dứt, mọi hồ sơ bệnh án liên quan đến bệnh nhân được tổng kết và được lưu trữ theo quy định. Muốn tham gia điều trị lại, người bệnh phải hoàn tất các thủ tục đăng ký như một bệnh nhân mới và phải được đánh giá ban đầu, tư vấn và giáo dục nhóm lại, làm các xét nghiệm theo quy định, lập hồ sơ bệnh án mới và quy trình điều trị sẽ được các bác sỹ bắt đầu lại như từ ban đầu.