- Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Sử dụng đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ.
+ Nhóm thực phẩm giàu bột đường: Nên chọn các loại thực phẩm tự nhiên, chưa qua tinh chế: gạo còn nguyên cám (gạo lứt, gạo lật nẩy mầm), bánh mỳ làm từ bột mỳ/ ngũ cốc toàn phần, khoai củ, ngô… Đây là thực phẩm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể và cũng là thực phẩm khi ăn vào sẽ chuyển hóa thành đường nên lượng ăn tùy thể trạng của từng người và không nên ăn nhiều vì sẽ làm tăng đường huyết. Ví dụ người 50 kg, không thừa cân béo phì thì có thể ăn khoảng 1 bát cơm mỗi bữa. Ăn ít các thực phẩm ngũ cốc tinh chế, xay xát quá kỹ và có chỉ số đường huyết cao (bánh mì trắng, miến dong, khoai củ nướng…).
Nên ăn kèm nhiều rau xanh để làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Nếu không ăn đủ rau thì cần bổ sung thêm chất xơ hòa tan. Hạn chế bánh kẹo ngọt và đường kính, trừ khi đang bị hạ đường huyết. Khi bị hạ đường huyết thì có thể dùng đường glucose, đường kính: uống 200 ml nước ngọt, hoặc ly nước đường (2 thìa đường), hoặc 5 chiếc kẹo nhỏ, hoặc 1 chiếc bánh chocopie... Sau đó cần ăn một bữa ăn đầy đủ để tránh bị hạ đường huyết trở lại.
+ Nhóm thực phẩm giàu đạm: Sử dụng các thực phẩm giàu đạm cả nguồn động vật và thực vật. Ưu tiên dùng thực phẩm nguồn thực vật (đậu tương, đậu hạt các loại). Nguồn động vật nên chọn các loại thịt nạc, tối thiểu 3 bữa cá mỗi tuần và xen kẽ các thủy hải sản khác. Hạn chế thịt mỡ, da, phủ tạng động vật.
+ Nhóm rau, củ: ăn đa dạng các loại rau. Ưu tiên các loại rau xanh thẫm, củ quả vàng cam, đỏ (súp lơ xanh, rau chân vịt, rau muống, rau ngót, cà rốt, cà chua…). Nên ăn khoảng 300-500 g rau mỗi ngày (khoảng 1 bát đầy rau chín mỗi bữa).
+ Nhóm quả: Chọn các loại quả ít ngọt: ổi, bưởi, cam, thanh long… Ăn khoảng 200 g/ngày hoặc 2 phần quả/ngày (1 phần tương đương 1 trái cam cỡ vừa, hoặc 1/2 trái thanh long, 2-3 múi bưởi…). Nên ăn cả quả (chỉ bỏ vỏ, hạt) hơn là ép lấy nước hoặc xay sinh tố. Hạn chế các loại quả ngọt như vải, nhãn, mít, chuối, na… và các loại quả sấy khô.
+ Nhóm chất béo: chọn dầu thực vật, dầu cá, các loại hạt có dầu. Hạn chế mỡ động vật, bơ, sữa béo, chất béo dạng trans (thực phẩm chiên, rán, thực phẩm chế biến công nghiệp).
+ Sữa và chế phẩm sữa: mỗi ngày nên uống 1 ly 200 ml sữa không đường, ít béo và 1 hộp sữa chua không đường (hoặc ít đường).
+ Uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả nước trong bữa ăn, nước uống thuốc, các loại nước uống (ngoại trừ người bệnh có biến chứng suy thận mạn cần kiểm soát lượng nước ăn uống tùy trường hợp cụ thể).
+ Hạn chế uống rượu bia, nước ngọt.
+ Không hút thuốc lá.
+ Tăng cường hoạt động thể lực: 30-45 phút mỗi ngày.